để tặng cho tác giả tài liệu này

Đã đánh giá tài liệu
Cảm ơn bạn đã phản hồi
Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà cung cấp: Nhiều nguồn
Họ Vũ/Võ là một dòng họ nổi bật ở Việt Nam với lịch sử phát triển lâu đời cùng những thành tích đáng tự hào. Trong mấy trăm năm lịch sử khoa bảng nước nhà, có đến hàng trăm vị Tiến sĩ mang họ Vũ/Võ được đề danh lên bảng vàng. Vị anh hùng dân tộc tiêu biểu, là một trong mười vị tướng tài của thế giới, “Người anh cả” của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam là người con của dòng họ Vũ/Võ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên bất kỳ lĩnh lực nào, họ Vũ/Võ cũng đều có dấu ấn đậm nét trong những giá trị để lại cho hậu thế.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DÒNG HỌ VŨ/VÕ VIỆT NAM
Lịch sử dân tộc Việt Nam được viết nên bởi công lao của hàng triệu danh nhân, hàng ngàn họ tộc và trong đó, họ Vũ/Võ là một trong những dòng họ có truyền thống lâu đời cùng những thành tích vô cùng vẻ vang, được sử sách nước nhà lưu danh thiên cổ.
Họ Vũ/Võ là dòng họ rất phổ biến ở các nước Á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam. Sở dĩ có hai tên gọi Vũ và Võ là xuất phát từ tục kiêng tên húy vào thời phong kiến. Đó là vào khoảng thế kỷ XVII, nước ta bị chia cắt làm hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài, Đàng Trong do chính quyền Chúa Nguyễn cai quản. Vị Chúa Nguyễn thứ hai là Nguyễn Phúc Nguyên có tên thụy hiệu là Vũ Vương, nên Chúa đã ban lệnh kiêng tên húy, những chữ “Vũ” đều đổi thành “Võ” hết. Từ đó, mới có họ Võ ở Đàng Trong (từ Nam sông Gianh trở vào), còn miền Bắc thì vẫn tồn tại họ Vũ, cả hai đều có chung một cội nguồn.
Hiện nay, chưa có nguồn sử liệu nào cho biết thời điểm rõ ràng dòng họ này xuất hiện trên lãnh thổ đất nước, nhưng những người mang họ Vũ/Võ có công làm rạng danh non sông thì đều được sử sách ghi nhận và lưu truyền. Dòng họ Vũ/Võ có rất nhiều người nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, từ các danh nhân quân sự, học giả, văn nhân đến các nhà khoa học và chính trị gia.
Từ thời Hai Bà Trưng đã xuất hiện Bát Nàn Tướng quân Vũ Thục Nương, vị nữ tướng đã kề vai sát cánh với Trưng Nữ Vương đánh đuổi giặc Hán, tỏ rõ tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam và bản lĩnh của phái nữ trong cuộc chiến đòi lại nền độc lập cho nước Việt. Sau thời của Vũ Thục Nương, rất nhiều danh nhân họ Vũ/Võ đã để lại dấu ấn của mình trong những trang sử vàng của đất nước.
Chính trị gia thời xưa có Vũ Mộng Nguyên, Vũ Công Đạo, Vũ Thạnh, Vũ Phạm Hàm… đều là những bậc danh thần của các triều đại Trần, Hậu Lê, Nguyễn… Đến thời hiện đại có các nhà cách mạng, những nhà lãnh đạo cao cấp của Nhà nước như Cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - vị “kiến trúc sư trưởng” của công trình thế kỷ “Đường dây 500kV Bắc - Nam”, đặt nền móng cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai…
Họ Vũ/Võ cũng nổi danh là “dòng họ thông minh” nhất nhì nước Nam khi trong mấy trăm năm lịch sử khoa bảng nước nhà, có đến hàng trăm vị Tiến sĩ mang họ Vũ/Võ được đề danh lên bảng vàng. Có rất nhiều vị Trạng nguyên, Tiến sĩ trở thành những danh thần, mưu sĩ, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của các triều đại. Một số cái tên tiêu biểu như “Thần toán” Vũ Hữu - người sửa cổng thành Thăng Long không thiếu, không thừa một viên gạch, “Trạng cờ” Vũ Huyên - kỳ thủ kiệt xuất trong lịch sử nước nhà, ngoài ra còn có “Trạng Bồng” Vũ Duy Thanh, “Tam Nguyên” Vũ Phạm Hàm… Đặc biệt, họ Vũ/Võ ở làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương - nơi được mệnh danh là đất học của nước Việt, sản sinh không biết bao nhiêu anh tài được ghi danh trong sử sách, là chi họ có rất nhiều Tiến sĩ Nho học, khiến Vua Tự Đức khi biết đến đã có lời khen là “nhất gia bán thiên hạ”, tức là một nhà bằng nửa nước. Đó là vì vào khoa thi năm 1656, chỉ có sáu người đỗ Tiến sĩ, trong đó họ Vũ/Võ ở Mộ Trạch chiếm tới ba người.
Trong lĩnh vực quân sự, họ Vũ/Võ có rất nhiều tên tuổi kiệt xuất. Đó là Võ Tánh, người được tôn vinh là một trong “Gia Định tam hùng”; trong “Tây Sơn thất hổ tướng trứ danh” của nhà Tây Sơn có hai danh tướng họ Vũ/Võ là Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú, đều là những bậc đại công thần của triều đại này, là những vị tướng bách chiến bách thắng trên chiến trường. Trong kháng chiến chống Pháp có nữ anh hùng Võ Thị Sáu, tên tuổi đã trở nên bất tử. Đặc biệt, dòng họ Vũ/Võ vô cùng tự hào khi đã sinh ra một vị anh hùng dân tộc tiêu biểu, một trong mười vị tướng tài của thế giới, “Người anh cả” của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng đã đánh bại hai đế quốc sừng sỏ là Pháp - Mỹ, giành lại độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài ra, còn có nhiều danh nhân mang họ Vũ/Võ đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau như văn học, nghệ thuật, khoa học, và xã hội. Trên bất kỳ lĩnh lực nào, họ Vũ/Võ đều có dấu ấn đậm nét trong những giá trị để lại cho hậu thế.
Ngày nay, họ Vũ/Võ đã và đang phát triển ngày một lớn mạnh, trở thành dòng họ phổ biến thứ bảy ở Việt Nam, với quy mô khoảng 3,9% dân số cả nước. Trong bối cảnh đất nước Việt Nam đang ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới với nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng có không ít thách thức, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng bách gia trăm họ nước Việt, trong đó, họ Vũ/Võ là một hạt nhân không thể thiếu. Những người con của dòng họ cần phát huy truyền thống hào hùng vẻ vang của tổ tiên, tích cực đóng góp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ để thỏa ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về một Việt Nam sánh vai cùng với các cường quốc năm châu.
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ VŨ/VÕ VIỆT NAM
Nguồn gốc lịch sử
Dòng họ Vũ/Võ là một trong những dòng họ có mặt sớm nhất trên lãnh thổ nước ta, được cho là có nguồn gốc từ thời đầu của lịch sử Việt Nam. Theo dã sử và các truyền thuyết, khi Hùng Vương dựng nước Văn Lang, đã chia đất nước thành 15 bộ, trong đó có bộ Vũ Ninh, vùng đất tương đương các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương ngày nay. Nhiều giả thuyết cho rằng đây chính là vùng đất khởi đầu của dòng họ Vũ, bởi sau này ở Bắc Ninh, Hải Dương có nhiều chi họ Vũ sinh sống, lập nghiệp và được xem là vùng đất phát tích của dòng họ. Và thêm một dẫn chứng nữa chứng minh cho sự xuất hiện từ rất sớm của dòng họ này là trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra vào những năm đầu Công nguyên, có một nữ tướng họ Vũ, đó là Bát Nàn Tướng quân Vũ Thục Nương. Bà sinh ra ở trang Phượng Lâu (Việt Trì - Phú Thọ) và phất cờ khởi nghĩa chống giặc Hán ở Tiên La, Thái Bình.
Trong thời kỳ “Ngàn năm Bắc thuộc”, để thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc Việt, các triều đại phương Bắc đã đưa dân Trung Quốc sang nước ta, sinh sống cùng dân tộc Việt, trong đó, có một bộ phận người họ Vũ. Trải qua nhiều đời, họ đã hòa đồng cùng với người bản địa trong đời sống hằng ngày và chiến đấu lại chính quyền đô hộ bởi họ cũng bị áp bức bóc lột một cách thậm tệ. Người phương Bắc gọi những người họ Vũ này là Vũ Giao Chỉ để phân biệt với Vũ Trung Hoa.
Đến thế kỷ thứ IX xuất hiện một nhân vật là cụ Vũ Hồn. Cụ được suy tôn là Thủy tổ của dòng họ Vũ/Võ Việt Nam và ngôi mộ của cụ ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là Mộ Tổ họ Vũ, được con cháu xây dựng khang trang trên một cánh đồng lúa bát ngát. Theo thần phả của dòng họ Vũ/Võ, cha của cụ Vũ Hồn là cụ Vũ Công Huy, là người đất Mân Việt, nổi tiếng là nhân đức, làm quan thanh liêm. Một lần, cụ Vũ Công Huy du ngoạn đến đất Hồng Châu, thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay, thấy có một gò đất lớn được bao bọc bởi 98 gò đất nhỏ, cho là đất địa linh nhân kiệt nên cụ đã đưa hài cốt thân phụ sang táng ở đó. Sau đó, cụ kết duyên với một thôn nữ bản địa tên là Nguyễn Thị Đức, hạ sinh được một cậu con trai thông minh, tuấn tú đặt tên là Vũ Hồn.
Cụ Vũ Hồ là người thông minh, học giỏi, am tường thiên văn, địa lý, phong thủy. Cụ đỗ Trạng nguyên thời nhà Đường và được Vua Đường phái sang An Nam (tên gọi nước ta thời thuộc Đường) giữ chức An Nam Kinh Lược sứ. Được trở về quê ngoại, cụ đã dành thời gian đi thăm thú đó đây, khi đến vùng đất Lập Trạch, cụ Vũ Hồn nhận thấy đây có thể là đất phát đại khoa đời đời nên cụ lập nên xóm nhỏ đặt tên Khả Mỗ Trang, về sau đọc chệch đi thành Mộ Trạch. Cũng từ đó, con cháu họ Vũ ở Mộ Trạch học hành đỗ đạt cao và đưa làng Mộ Trạch trở thành làng độc nhất vô nhị ở Việt Nam trong lĩnh vực này thời phong kiến: Trong tổng số 36 vị đỗ đại khoa của làng Mộ Trạch, họ Vũ chiếm đa số với 9 Hoàng giáp và 20 Tiến sĩ. Từ đó, con cháu họ Vũ tỏa đi cả nước, lập được nhiều thành tích trong các lĩnh vực, trở thành những người nổi tiếng.
Sự phát triển qua các thời kỳ
Thời kỳ Lý - Trần
Thời kỳ phong kiến Lý - Trần là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử với những thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Đây là thời kỳ của nền văn minh Thăng Long - Đại Việt, đất nước phát triển mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, đến quân sự, tôn giáo… Các vua nhà Lý và nhà Trần rất quan tâm đến việc đào tạo nhân lực phụng sự cho đất nước nên đã tổ chức các khoa thi để tìm hiền tài. Vốn là dòng họ chuộng việc học, tổ tiên lại tìm được vùng đất có long mạch phát dòng đại khoa, nên những người họ Vũ đã tận dụng cơ hội của thời đại để lưu danh tên mình trong sử sách và phát triển thế lực của dòng họ.
Trong khoảng thời gian từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, dòng họ Vũ đã khẳng định được vị thế của mình trong xã hội phong kiến. Nhiều con cháu trong dòng họ đã đỗ đạt làm quan, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong triều đình, đóng góp lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Các danh nhân nổi bật của dòng họ Vũ trong giai đoạn này bao gồm Vũ Uyên, Vũ Bão, những người đã có những đóng góp quan trọng cho triều đình nhà Trần. Chính điều này đã dẫn đến sự hưng thịnh của họ Vũ, bởi lẽ, khi nhiều người họ Vũ có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, được kính trọng thì con cháu trong họ tộc được cậy nhờ; lại thêm nhiều người xin nhập họ (cải từ họ khác sang họ Vũ), hay xin làm con nuôi, con rể… Chính nhờ sự “kết nạp” này mà họ Vũ đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Không chỉ mở rộng về quy mô dân số, địa bàn sinh sống của họ Vũ cũng trở nên đa dạng hơn. Những người họ Vũ đỗ đạt hay có công với đất nước, được triều đình trọng dụng, bổ nhiệm các chức quan đi trấn thủ nhiều nơi đã phát triển nòi giống của mình ở ngay tại nơi trị sở, biến những nơi sinh cơ lập nghiệp trở thành quê hương mới của họ Vũ. Đó còn chưa kể một số lượng đông đảo các thầy đồ, thầy thuốc không có hứng thú với việc làm quan, khi gặp vận nước suy vi đã tìm cách đi ở ẩn sang nơi khác để hành nghề dạy học, cứu người, lấy vùng đất mới là quê hương thứ hai, hậu duệ của họ cũng xây dựng cơ ngơi của chi họ Vũ ở đó luôn. Ngoài ra, sự phát triển lãnh thổ về phía Nam của các vua chúa nhà Lý, Trần đã dẫn đến các cuộc di dân của các dòng họ, trong đó rất có thể có những người họ Vũ, vào những vùng đất đã bình định được để an cư. Vì thế mà từ mảnh đất Hải Dương ban đầu, họ Vũ dần lan tỏa sang các xứ, trấn khác như Hà Bắc, Thăng Long, Kinh Bắc…
Thời Hậu Lê
Năm 1428, sau khi đánh đuổi giặc Minh đô hộ, Vua Lê Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế, kiến lập nhà Hậu Lê. Từ đây, nước Đại Việt bước vào một thời kỳ độc lập lâu dài, phát triển với nhiều thành tựu rực rỡ. Từ khi bắt đầu nhà Hậu Lê cho đến khi nhà Nguyễn thành lập, nước Đại Việt đã có rất nhiều biến động trên chính trường với các cuộc chiến tranh như Nam - Bắc triều, Trịnh - Nguyễn phân tranh, phong trào Tây Sơn… Giai đoạn lịch sử đặc biệt đó đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dòng họ Vũ. Nhiều người trong dòng họ đã trở thành những tướng lĩnh, quan lại và học giả nổi tiếng.
Tiếp nối truyền thống khoa bảng vẻ vang của dòng họ, nhiều người họ Vũ đã ghi danh trên bảng vàng khoa cử, trở thành những vị Trạng nguyên, Tiến sĩ, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nước nhà. Những ông Trạng họ Vũ nổi tiếng của nhà Hậu Lê có thể kể đến như Vũ Kiệt, Vũ Duệ, Vũ Tuấn Chiêu, Vũ Dương… Ngoài ra còn có các Tiến sĩ lừng danh sử Việt như Vũ Duy Đoán, Vũ Thạnh… Đặc biệt, ở nơi phát tích dòng họ Vũ là làng Mộ Trạch còn nổi danh với “Năm ông trạng làng Mộ Trạch” trứ danh dân gian, trong đó có đến bốn vị họ Vũ, đó là “Trạng Toán” Vũ Hữu, “Trạng Cờ” Vũ Huyên, “Trạng Vật” Vũ Phong, “Trạng Chạy” Vũ Cương Trực. Những danh nhân đó đã đưa tên tuổi dòng họ Vũ trở nên nổi tiếng và được hậu thế đời đời tưởng nhớ bởi tài năng phi thường, cùng nhân cách cao đẹp.
Đến khi nước Đại Việt bước vào thời kỳ chia cắt với cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, ở các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, một gia tộc họ Vũ đã xưng hùng xưng bá, cát cứ một phương. Họ dựng căn cứ ở núi Bầu nên được sử cũ gọi là các Chúa Bầu với nhiều đời thủ lĩnh nối tiếp nhau cai quản vùng núi phía Bắc như Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật, Vũ Công Kỷ, Vũ Công Tuấn. Những vị Chúa Bầu này đã có công rất lớn trong việc giúp Vua Lê đánh bại nhà Mạc để khôi phục chính quyền.
Sau chiến sự Nam - Bắc triều thì Đại Việt tiếp tục nổ ra cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh khiến cho đất nước rơi vào cảnh loạn lạc kéo dài, xóm làng trở nên tiêu điều xơ xác, người dân bị bắt đi lính đi phu để phục vụ cho cuộc chiến vương quyền. Thêm vào đó là thiên tai, vỡ đê, mất mùa đói kém khiến cho đời sống người dân trở nên cơ cực. Vì thế, để tìm lối thoát cho mình và gia đình, rất nhiều người đã bỏ quê hương xứ sở, di cư đến nơi khác để mong cầu một cuộc sống tốt hơn và những người họ Vũ cũng không nằm ngoài dòng chảy đó của thời đại. Bấy giờ, ở dải đất phía Nam Đại Việt là một miền đất hoang vu, chưa có đông dân cư nhưng lại là một vùng đất hứa với đất đai rộng lớn, màu mỡ. Chính vì thế mà năm 1558, vừa để tránh họa diệt thân vừa để xây dựng thế lực mới, Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim - một trọng thần nhà Hậu Lê) đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa, dẫn theo gia quyến và những người thân thuộc. Nhiều cư dân của các dòng họ ở Bắc Bộ đã đi theo Nguyễn Hoàng, để thoát khỏi cảnh binh đao loạn lạc và cũng là tìm kiếm một con đường sống cho mình. Trải qua nhiều năm gây dựng cơ nghiệp, Chúa Nguyễn Hoàng cùng các đời Chúa Nguyễn tiếp theo đều khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, với nhiều chính sách tiến bộ, thân dân nên đã thu hút rất nhiều người miền Bắc di cư vào Nam. Họ Vũ ở phía Bắc cũng theo đường biển, đường bộ Nam tiến để mở rộng địa bàn cư trú. Họ Vũ định cư chủ yếu ở vùng đồng bằng Nam, Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên… Giai đoạn này ghi nhận một sự thay đổi lớn trong dòng họ Vũ, đó là việc những người định cư ở miền Nam cải tên dòng họ từ Vũ sang Võ, do phải kiêng tên húy của nhà Chúa. Chuyện là, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, vị Chúa Nguyễn thứ hai, có tên thụy hiệu là Vũ Vương, nhà Chúa đã ban hành lệnh chữ “Vũ” phải đổi sang chữ “Võ” để tránh phạm húy Chúa. Theo lệnh này, những người họ “Vũ” đã buộc phải đổi sang họ “Võ”, và vì thế mà từ sông Gianh trở vào Nam có họ Võ còn ở ngoài Bắc thì vẫn mang họ Vũ, nhưng vẫn có tổ tiên, huyết thống với nhau, chỉ khác tên gọi mà thôi.
Trong khi đó, ở phía Bắc, nhà Mạc sau khi thất thế trước nhà Lê - Trịnh đã phải rút khỏi Thăng Long, tìm cách mai danh ẩn tích. Trước áp lực khủng bố từ triều đình Lê - Trịnh, để tránh họa diệt vong, con cháu họ Mạc đã đi đến một quyết định lịch sử đó là thay tên đổi họ. Một bộ phận con cháu họ Mạc đã cải sang họ Vũ. Từ đó, họ Vũ có thêm một chi họ Vũ gốc Mạc, với số lượng người không nhỏ.
Vốn là dòng họ giàu truyền thống khoa bảng, nhưng trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, người họ Vũ/Võ lại thành danh bởi những chiến công trên chiến trường. Ở Đàng Ngoài có danh tướng Vũ Hộ (sau đổi tên thành Mạc Bang Hộ), Vũ Sư Thước. Ở phía Nam sông Gianh thì có tướng Võ Duy Nghi phụng sự cho Chúa Nguyễn. Đặc biệt, trong “Tây Sơn thất hổ tướng” trứ danh của nghĩa quân Tây Sơn có hai vị thủ lĩnh mang họ Vũ/Võ, đó là Đại Tư đồ Võ Văn Dũng và Thái úy Võ Đình Tú cùng quê ở Bình Định. Ngoài ra, trong triều Tây Sơn còn có các nữ tướng Võ Thị Thái, Võ Thị Đức. Họ đều là những người có những đóng góp rất lớn trong các chiến công oanh liệt của nhà Tây Sơn từ việc thống nhất đất nước cho đến đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Thời Nguyễn
Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam và thời kỳ trị vì của nhà Nguyễn cũng là thời kỳ đất nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Đó là việc đất nước đã được thu về một mối sau khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802. Năm 1585, người Pháp bắt đầu các cuộc tấn công xâm lược Việt Nam, và đến năm 1884 thì toàn lãnh thổ Việt Nam và triều đình nhà Nguyễn đều bị đặt dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, từ khi Pháp đặt chân xâm lược, nhân dân ta liên tục tiến hành các cuộc đấu tranh trên nhiều mặt trận, chống ngoại xâm và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Các cuộc khởi nghĩa nối tiếp nhau cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong quãng thời gian lịch sử đó, họ Vũ/Võ tiếp tục duy trì và phát triển vị thế của mình, sản sinh ra rất nhiều nhân tài có công với đất nước trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều thời điểm ngặt nghèo nhất của đất nước.
Đầu tiên phải kể đến đại công thần của triều Nguyễn, một trong “Gia Định Tam Hùng” - Tướng quân Võ Tánh, người có công giúp Vua Gia Long thống nhất đất nước, mở ra Vương triều Nguyễn. Trong thời kỳ độc lập của nhà Nguyễn, nhiều người con của dòng họ Vũ/Võ đã xuất hiện trong triều đình Huế, góp công không nhỏ trong chiến tích mở rộng lãnh thổ, đưa nước Việt trở thành một thế lực ở khu vực Đông Nam Á lúc đó. Những danh thần nổi tiếng trong thời kỳ này là Vũ Xuân Cẩn, Võ Trọng Bình, Vũ Tông Phan… đều là những đại thần có tiếng thời Vua Gia Long, Vua Minh Mạng, Vua Tự Đức. Nhiều danh sĩ nổi tiếng với tài năng và đức độ được hậu thế nhớ đến, có nhiều giai thoại nổi tiếng trong dân gian như “Trạng Bồng” Vũ Duy Thanh - người chế tạo tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam, Thám hoa Vũ Phạm Hàm - vị Tam nguyên cuối cùng trong lịch sử Việt Nam…
Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, các phong trào đấu tranh của nhân dân ta bùng lên mạnh mẽ, đỉnh cao là Phong trào Cần Vương 1885 - 1896, đã có rất nhiều nhân vật họ Vũ/Võ tham gia và hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp vệ quốc vĩ đại. Võ Duy Ninh - quan Tổng đốc Gia Định - Biên Hòa đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ thành Gia Định và đã tuẫn tiết trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của người Pháp tại Gia Định. Tiếp đến là Thiên hộ Dương, tên thật là Võ Duy Ninh đã dựng cờ chống Pháp ở vùng Đồng Tháp Mười. Khi phong trào Cần Vương chống Pháp bùng nổ, Vũ Hữu Lợi - một viên quan nhà Nguyễn, và là một sĩ phu yêu nước đã tổ chức cuộc khởi nghĩa kháng Pháp ở Nam Định để hưởng ứng lời kêu gọi ái quốc của Vua Hàm Nghi.
Các cuộc đấu tranh của nhân dân ta thời điểm đó tuy diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa đi đến được thắng lợi cuối cùng, bởi đường lối đấu tranh không phù hợp với thế và lực. Sau đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản. Người đã tích cực truyền bá tư tưởng cứu nước mới và đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Một trong những người học trò ưu tú và xuất sắc nhất mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo là Võ Nguyên Giáp, một người con của họ Vũ/Võ ở đất Quảng Bình. Võ Nguyên Giáp là người đã thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã có hai trận mở màn giành thắng lợi ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Sau đó, Đội phát triển thành Việt Nam Giải phóng quân và góp công lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 08 năm 1945, giành lại độc lập cho dân tộc, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thời kỳ hiện đại
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ liên tiếp, đó là cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam và cuộc chiến ở Biên giới phía Bắc. Trong những giai đoạn lịch sử nhưng đầy hào hùng ấy của dân tộc, rất nhiều người con họ Vũ/Võ đã không tiếc máu xương của mình, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sử sách ghi danh những con người đã xả thân vì nước, trong đó có nhiều người con của dòng họ Vũ/Võ, như chị Võ Thị Sáu - nữ anh hùng du kích trong kháng chiến chống Pháp; nữ anh hùng Võ Thị Thắng trong thời kháng chiến chống Mỹ, người được đặt tên cho một ngôi trường ở La Habana; liệt sĩ Võ Sĩ…
Vẫn là tên tuổi của Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng đầu tiên của nước ta, người đã chỉ huy quân đội ta giành nhiều thắng lợi trên chiến trường, đánh bại hai đế quốc sừng sỏ để đất nước ta sạch bóng quân thù, hai miền Nam - Bắc hoàn toàn được thống nhất. Tên tuổi của Đại tướng vang xa khắp năm châu bốn biển. Thế giới đã ghi nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong mười vị tướng tài ba nhất lịch sử nhân loại.
Khi hòa bình được lập lại, đất nước bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển, vươn mình ra thế giới, con cháu họ Vũ/Võ tiếp tục dấn thân vào mặt trận mới cũng không kém phần thách thức. Bằng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy cao độ truyền thống đáng tự hào của tiên tổ, những người con họ Vũ/Võ đã tạo nên nhiều kỳ tích, đóng góp công sức lớn lao để đưa Việt Nam từng bước có chỗ đứng vững vàng trên trường quốc tế.
Nhiều thế hệ người dân Việt Nam còn nhớ, khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt ở ở khu vực miền Nam. Thế nhưng, lúc đó, tình trạng khan hiếm nguồn điện đã cản trở rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Lúc bấy giờ, hai con người kiệt xuất mang họ Vũ/Võ đã có một quyết định vô cùng táo bạo, mang tính đột phá: đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Đó là Võ Văn Kiệt và Vũ Ngọc Hải. Khi ấy, ông Võ Văn Kiệt đang giữ chức Thủ tướng Chính phủ, còn ông Vũ Ngọc Hải là Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Hai ông đã đề xuất xây dựng “Đường dây 500kV Bắc - Nam”. Bấy giờ, dư luận trong và ngoài nước đều coi đó là một ý tưởng điên rồ bởi trên thế giới chưa có quốc gia nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000 cây số và lại đặt mục tiêu hoàn thành chỉ trong hai năm. Thế nhưng, bằng sự kiên định và quyết tâm cao của người đứng đầu Chính phủ cùng đội ngũ thực hiện, dự án vẫn được triển khai. Cuối cùng, sau hai năm làm việc vất vả, không chịu bó tay trước gian nan thử thách, đúng 19h07p59s ngày 27 tháng 05 năm 1994, đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam chính thức được lưu thông trên toàn tuyến. Dự án có tổng chiều dài 1487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm (TP. Hồ Chí Minh) đã góp phần truyền tải lượng điện năng dư thừa từ Miền Bắc để cung cấp cho Miền Nam và Miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba Miền thành một khối thống nhất, mở ra một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tàu trong đội ngũ tạo nên kỳ tích này là con cháu dòng họ Vũ/Võ - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ngày nay, dòng họ Vũ/Võ có mặt ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam với quy mô chiếm đến 3,9% dân số cả nước, trở thành dòng họ lớn thứ bảy trong cộng đồng bách gia trăm họ của người Việt. Họ Vũ/Võ có một tổ chức dòng họ mạnh mẽ, với nhiều hoạt động giao lưu, kết nối giữa các chi nhánh họ Vũ/Võ trên toàn quốc. Tổ chức này không chỉ giúp duy trì và phát huy truyền thống dòng họ, mà còn góp phần tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện.
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, các thế hệ con cháu họ Vũ/Võ đều đã đóng góp và tạo nên nhiều chiến công, thành tựu trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đưa tên tuổi của dòng họ Vũ/Võ trở nên phổ biến, trở thành một trong những dòng họ lớn và có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Các thành viên của dòng họ Vũ/Võ luôn tự hào về quá khứ vinh quang, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, ra sức học tập và làm việc góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng cường thịnh.
Tài liệu liên quan
Kim cương
Rating
Lượt xem
Ý kiến (0)